Việt Nam chế tạo thành công máy rửa dụng cụ y tế

 
VIỆT NAM CHẾ TẠO THÀNH CÔNG MÁY RỬA DỤNG CỤ Y TẾ
Báo Sài Gòn giải phóng ,phát hành Thứ sáu, 22/08/2008, 08:57 (GMT+7)

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đã trang bị máy rửa dụng cụ y tế tự động (AutoMed Cleaner) do Công ty Cổ phần công nghệ PETECH, một doanh nghiệp khoa học - công nghệ của Việt Nam, chế tạo. Đây được coi là lần đầu tiên, thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất được ứng dụng thiết thực trong ngành y tế và mở ra xu hướng dần thay thế một số thiết bị y tế nhập khẩu có giá thành đắt đỏ, đồng thời là cơ hội tăng cường phòng chống nhiễm khuẩn cho các bệnh viện vốn phần lớn lâu nay rửa dụng cụ y tế bằng thủ công.

Môi trường bệnh viện là nơi tập trung tất cả các yếu tố lây nhiễm bệnh. Điều đáng nói, những nguy cơ “lây nhiễm chéo” lại chủ yếu từ nhân viên y tế, vệ sinh dụng cụ y tế không sạch.

Theo một cuộc điều tra mới đây của Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm khuẩn trong bệnh viện chiếm từ 5,3% đến 10%. Tại một số khoa cấp cứu, điều trị tích cực, tim mạch, tỷ lệ này lên tới 30%. Nhiễm khuẩn làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng chí phí cũng như thời gian điều trị của người bệnh. Thậm chí, sau thời gian dài điều trị tại bệnh viện, có những bệnh nhân chết không phải do bệnh chính, mà do nhiễm bệnh khác trong thời gian ở bệnh viện.

Trong số các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện, tỷ lệ nhiễm khuẩn đường hô hấp chiếm 42%, nhiễm khuẩn vết mổ 18% và đường tiết niệu là 16%. Những bệnh nhân phải qua phẫu thuật có nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn 2,4 lần so với những người không phải mổ do có tiếp xúc với các loại dụng cụ y tế. Một điều đáng quan tâm nữa là ngay cả nhân viên y tế cũng rất… lười rửa tay.

Tại buổi công bố kết quả của Dự án tăng cường vệ sinh bệnh viện sau 1 năm thực hiện mới đây, Cục Y tế dự phòng cho biết qua khảo sát sơ bộ 6.000 cán bộ y tế cho thấy có đến hơn 60% không tuân thủ quy trình vệ sinh bàn tay. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, vệ sinh bệnh viện, phòng chống nhiễm khuẩn đang là thách thức lớn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vệ sinh cá nhân y bác sĩ và dụng cụ y tế.

Thực tế cho thấy, hầu hết bệnh viện tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung hiện nay đều vệ sinh dụng cụ y tế theo cách… rửa bằng tay. Theo BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc BV Nhi đồng 2 (TPHCM), nguy cơ nhiễm khuẩn từ đây rất cao. Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị để vệ sinh dụng cụ y tế gặp không ít khó khăn vì phải nhập khẩu với giá thành cao, trong khi khả năng kinh phí của các bệnh viện hạn hẹp.

Trước bức xúc về thực trạng nói trên, từ năm 2007, Công ty Cổ phần công nghệ PETECH (TPHCM) đã nghiên cứu chế tạo thiết bị rửa dụng cụ y tế tự động (AutoMed Cleaner) phục vụ công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn cho các bệnh viện. Và mãi đến tháng 7-2008 vừa qua thiết bị này mới hoàn thiện và đơn vị đầu tiên trang bị là Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM). Theo kỹ sư Phan Mạnh Hùng, người trực tiếp thiết kế, chế tạo AutoMed Cleaner, đây là thiết bị chuyên dụng để rửa dụng cụ y tế, có thể rửa sạch hoàn toàn hầu hết các loại dụng cụ như: dao, kéo, ống dịch truyền…

Với thiết kế mỗi mẻ rửa cho 30kg, AutoMed Cleaner được ứng dụng công nghệ tạo dòng xoáy áp lực và được cài đặt hoàn toàn tự động. Theo kỹ sư Phan Mạnh Hùng, nguyên lý hoạt động của AutoMed Cleaner được thực hiện qua 3 bước. Bước 1, cho bột giặt vào bồn, bỏ dụng cụ vào khay và thiết bị tự động bơm nước vào, tạo dòng xoáy, sục rửa. Bước 2 là tiếp tục vừa tạo dòng xoáy sục rửa vừa tạo áp lực để đẩy các chất bẩn bám dính, nhất là bên trong các ống dịch truyền. Bước 3 là xả nước và làm khô ráo dụng cụ y tế. Điểm đặc biệt là AutoMed Cleaner được trang bị hệ thống giúp người vận hành theo dõi và điều chỉnh các công đoạn sục rửa khi cần thiết.

Được thiết kế nhỏ gọn, vận hành đơn giản, ít tốn kém điện năng, AutoMed Cleaner được đánh giá đáp ứng yêu cầu chống nhiễm khuẩn trong  xử lý dụng cụ y tế với giá thành chỉ bằng 1/3 thiết bị nhập khẩu.

 

Xem thêm